Go-Viet có “đấu” nổi với Grab?
Go-Viet ngay khi xuất hiện tại TP HCM hồi đầu tháng 8 đã khiến Grab “choáng váng” khi tung hàng loạt ưu đãi để thu hút người tiêu dùng lẫn giới tài xế. Đầu tiên họ đưa ra chính sách khuyến mãi 5.000 đồng trọn gói cho 8 km nội thành. Bên cạnh đó, tài xế xe ôm Go-Bike cũng được lãnh từ hãng này 25.000 đồng, tức mỗi cuốc xe tài xế bảo đảm được hưởng 30.000 đồng.
Kết quả, màu áo đỏ của các tài xế xe ôm Go-Viet xuất hiện khắp các nẻo đường ở TP HCM. Khi đó, ông Andre Soelistyo, Chủ tịch Go-Jek – Indonesia (công ty mẹ của Go-Viet) mạnh dạn tuyên bố đã giành được 10% thị phần gọi xe công nghệ ở TP HCM chỉ sau 3 ngày ra mắt. Đến giữa tháng 9, Go-Viet tiếp tục lớn tiếng nói giành được 35% thị phần gọi xe 2 bánh ở TP HCM và 1,5 triệu lượt tải ứng dụng sau 6 tuần ra mắt.
Tuy nhiên, sau đó Grab “phản đòn” với hàng loạt ưu đãi có phần nhỉnh hơn, cộng thêm nhiều tài xế sử dụng chiêu trò gian lận tiền hỗ trợ, Go-Viet đã phải điều chỉnh chính sách, nâng giá lên 9.000 đồng cho cự ly 6 km nội thành trong giờ thấp điểm và hiện nay là 10.000 đồng.
Go-Viet có đấu nổi với Grab? – Ảnh 1.
Go-Viet không còn phát triển mạnh như những ngày đầu mới ra mắt.
Khi tiến ra Hà Nội hồi giữa tháng 9, Go-Viet tung gói cước ưu đãi khủng chỉ 1.000 đồng cho 6 km. Nhưng chỉ sau vài ngày, khi mà khách hàng Hà Nội chưa kịp làm quen thì Go-Viet âm thầm tăng giá gói 6 km này lên 10.000 đồng. Giới quan sát khi đó cho rằng mức giá mới của Go-Viet khó có thể cạnh tranh với các hãng xe công nghệ khác tại Hà Nội. Bằng chứng là màu áo đỏ của hãng xe này chỉ xuất hiện “lác đác” sau 3 tuần hiện diện tại Hà Nội.
Theo giới chuyên môn, Go-Viet khó thành công tại Hà Nội như cách họ đã làm ở TP HCM. Ngay cả ở TP HCM hiện nay, Go-Viet cũng khá chật vật để cạnh tranh với Grab và các hãng gọi xe khác chứ không còn phát triển rầm rộ như hồi mới ra mắt.
Trong khi đó, Grab với nền tảng cơ bản đã xây dựng suốt mấy năm nay, cộng thêm tiềm lực tài chính mạnh liên tục đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho tài xế và khách hàng. Chẳng hạn, trước khi Go-Viet chính thức ra Hà Nội, Grab nhanh chân tặng khách hàng mã giảm 50% (giảm một cuốc xe tối đa đến 40.000 đồng) cho 10 chuyến, hoặc giảm 15.000 đồng/chuyến (cho 10 chuyến) nếu thanh toán bằng GrabPay. Chưa hết khách hàng nhập mã GrabAeon được giảm 30% (tối đa 30.000 đồng/chuyến) cho các chuyến có điểm đón hoặc điểm đến tại Aeon Mall Bình Tân, Tân Phú (TP HCM), Bình Dương, Hà Nội.
Ngoài ra, “ông trùm” gọi xe hiện nay còn tặng mã khuyến mãi giảm 10.000 đồng/chuyến cho 16 chuyến khi sử dụng Mastercard, hoặc nhập mã GP50 được giảm 50.000 đồng cho 2 chuyến nếu thanh toán bằng GrabPay, giảm 20.000 đồng/chuyến cho 5 chuyến nếu mới tham gia.
Các tài xế Grab hiện nay không còn bị “bỏ bê” như sau khi Uber rút khỏi Việt Nam mà đang được hãng chăm sóc khá kỹ. Ông Bùi Văn Tám ở quận 6, TP HCM đang chạy xe ôm cho Go-Viet, cho biết bên Grab nhiều lần gọi mời ông về (trước đây ông Tám chạy cho Grab) nhưng ông chưa quyết định. Cũng theo ông Tám, trước đây chỉ cần nghe khách hàng phàn nàn hoặc phát hiện tài xế chạy cho hãng khác là Grab “cắt” ngay nhưng bây giờ họ không dám làm vậy nữa.
Ngoài ra, tài xế GrabBike hiện nay còn được thưởng theo ngày như khi chạy được 23 chuyến sẽ được thưởng thêm 220.000 đồng, 15 chuyến thưởng 120.000 đồng, 8 chuyến thưởng 50.000 đồng. Với chính sách thưởng này để đối đầu với Go-Viet (tài xế GoBike đạt 10 điểm được thưởng 50.000 đồng, 18 điểm thưởng 120.000 đồng, 28 điểm thưởng 220.000 đồng. Theo đó một cuốc xe chạy trong giờ cao điểm được cộng 2 điểm, giờ bình thường là 1 điểm).
Không chỉ Grab mà một loạt hãng gọi xe trong nước khác cũng tham gia “cuộc chiến” giành giật khách hàng khiến Go-Viet gặp khó khi mở rộng thị phần. Đại diện MailinhBike cho biết hiện có hơn 4.500 tài xế tham gia dịch vụ gọi xe của Mai Linh. Để thu hút khách hàng, MailinhBike cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như trong tháng 10 này chạy cùng lúc 3 chương trình như khách hàng được giảm 5.000 đồng/cuốc (một người được hưởng khuyến mãi 2 chuyến/ngày). Vào ngày thứ bảy và chủ nhật, khách được giảm 15.000 đồng/chuyến; từ ngày 15 đến 28-10 khách hàng là phụ nữ được giảm 10.000 đồng/chuyến.
Đối với tài xế, nếu đón khách có cự ly xa, Mai Linh hỗ trợ từ 3.000-3.500 đồng/km. Ngoài ra trong giờ cao điểm, hãng giảm chiết khấu từ 15% xuống còn 7%.
Ông Nguyễn Văn Sang, Tổng Giám đốc Công ty CP T.Net (ứng dụng T.Net), cho biết để tránh đối đầu với hai ông lớn trên, thời điểm này T.Net tập trung phát triển mảng xe bốn bánh ở hai thị trường chính như Hà Nội, TP HCM.
Theo đó, tài xế được thưởng 800.000 đồng nếu trong tuần chạy được 50 chuyến, 20 chuyến thưởng 400.000 đồng, 15 chuyến thưởng 200.000 đồng. Đối với mảng xe ôm cũng có mức thưởng bằng 45% so với ôtô để duy trì cho qua giai đoạn cạnh tranh khốc liệt này.
Ông Nguyễn Chí Luận, Tổng Giám đốc Go-ixe Sài Gòn, cho biết Go-ixe không phải lo cạnh tranh với bất cứ đối thủ nào trong lĩnh vực vì đơn vị không trực tiếp kinh doanh mà chỉ cung cấp phần mềm cũng như chia sẻ kết nối với các đối tác. Chẳng hạn, đối với các đối tác là tài xế của các hãng taxi truyền thống khi sử dụng phần mềm của Go-ixe, họ vẫn giao dịch với khách hàng bằng chính giá cước của hãng xe của họ. Đối với ôtô gia đình, xe gắn máy khi tham gia Go-ixe phải thực hiện theo giá cước 3.600 đồng/km đối với xe ôm và 8.900 đồng/km với ôtô. Hiện nay Go-ixe chưa thu chiết khấu đối với tài xế.
Bài-ảnh: Nguyễn Hải