Đường dây đánh bạc liên quan tướng CA: Lộ trình “rửa” hàng nghìn tỷ
CQÐT xác định, hai ông trùm trong đường dây đánh bạc trực tuyến là Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương đã dùng nhiều thủ đoạn để “rửa tiền” như: đầu tư bất động sản, góp vốn vào các Cty, góp vốn làm dự án BOT…
Trò chơi đánh bạc dưới dạng game bài trực tuyến.
Cái “bắt tay” của trùm cờ bạc và hai tướng công an
Theo kết luận điều tra, khoảng giữa năm 2011, ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hoá, nguyên Cục trưởng C50 – Bộ Công an nghiên cứu lập tờ trình xin chủ trương thành lập Cty bình phong trực thuộc C50 để hoạt động nghiệp vụ và công ích. Ðề xuất này được cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ bút phê “Ðồng ý về chủ trương, thực hiện phải đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ đã quy định”
Bị can Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam.
Trong khoảng thời gian trên, ông Phan Văn Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương đến gặp ông Nguyễn Thanh Hóa và thống nhất để Dương lập Cty làm Cty bình phong cho Cục C50. Sau khi Dương thành lập Cty TNHH đầu tư và phát triển An ninh công nghệ cao (viết tắt CNC), ông Nguyễn Thanh Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh với Dương trong đó có nội dung: “Phân phối lợi nhuận kinh doanh thu được sau khi trừ các chi phí hoạt động của Cty CNC theo tỷ lệ: Cty CNC được 80%, C50 được 20%”. Ông Hoá đồng thời ký uỷ quyền cho Nguyễn Văn Dương làm người đại diện cho C50, đại diện phần vốn góp 20% vốn điều lệ của Cty CNC… Cả hai văn bản ông Hóa ký với Dương diễn ra trong ngày 10/10/2011 và thực tế C50 không góp đồng vốn nào vào Cty CNC và cũng không cử cán bộ tham gia như tờ trình trước đó với lãnh đạo Bộ Công an.
Sau khi CNC trở thành Cty bình phong thuộc C50, Nguyễn Văn Dương đã móc ngoặc với Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc dưới dạng game bài trực tuyến RikVip, Tipclub và thống nhất tỷ lệ ăn chia theo từng tháng với mức độ khác nhau.
Mặc dù ông Vĩnh biết Cty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc nhưng không ngăn chặn, xử lý mà còn ký băn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức đánh bạc của Cty CNC. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hoá không cho cấp dưới tổ chức xác minh, điều tra hoạt động cờ bạc của CNC.
Theo kết luận điều tra, để che giấu hành vi vi phạm pháp luật trong việc ký Bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh và Hợp đồng ủy quyền giữa C50 và Nguyễn Văn Dương, tháng 4/2017, ông Hoá chỉ đạo cấp dưới soạn thảo công văn không số trình ông Phan Văn Vĩnh đồng ý hợp thức với nội dung “chỉ hợp tác với C50 về mặt nghiệp vụ”.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Dương khai để được tạo điều kiện trong việc tổ chức đánh bạc, bị can này đã biếu ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, 1,75 triệu USD, 1 áo sơ mi, 1 lọ thuốc bổ gan và 1 đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD; biếu ông Nguyễn Thanh Hoá 22 tỷ đồng; cho Cục C50 số tiền 700 triệu đồng và 1 bộ phần mềm diệt Virus trị giá 30.000 USD. Tuy nhiên, ông Vĩnh và Hoá đều phủ nhận lời khai của Dương.
Mang tiền cờ bạc đầu tư dự án BOT
Vẫn theo Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, trong tổng số tiền hơn 9.800 tỷ đồng thu được từ hoạt động tổ chức đánh bạc, Phan Sào Nam hưởng lợi 1.475 tỷ đồng; Nguyễn Văn Dương – CNC hưởng lợi 1.655 tỷ đồng. Hai ông trùm này đã dùng nhiều chiêu trò, thủ đoạn để rửa tiền, tẩu tán tài sản.
Cụ thể, Nguyễn Văn Dương đã chỉ đạo Ðoàn Thị Thu Hà chuyển một phần số tiền hưởng lợi từ hoạt động tổ chức đánh bạc góp vốn vào Cty cổ phần đầu tư UDIC với số tiền hơn 576 tỷ đồng và trực tiếp góp vốn vào dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn với số tiền 329,7 tỷ đồng.
Sau khi “nhúng” tiền qua Cty UDIC, ngày 17/4/2017, Dương tách Cty này thành hai công ty, rồi bán cổ phần sở hữu tại Cty UDIC cho các Cty Cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn, Cty Cổ phần quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân, Cty Cổ phần tập đoàn Hải Thạch, thu về số tiền 270 tỷ đồng. Tiếp đó, Dương lấy 150 tỷ đồng từ số tiền bán cổ phần nêu trên đi mở 2 sổ tiết kiệm; mua 2 sàn (tầng 5,6) toà nhà ICON4, trị giá hợp đồng 61 tỷ đồng. Số còn lại Dương khai sử dụng cá nhân hết.
Còn Phan Sào Nam chuyển cho Phan Thu Hương hơn 216 tỷ đồng để gửi tiết kiệm và mua bất động sản; chỉ đạo Ðỗ Bích Thuỷ rút 50 tỷ đồng gửi tiết kiệm; đầu tư góp vốn vào các Cty như: Cty Vịnh Hạ Xanh Hạ Long, Cty Ấn tượng Hạ Long, Cty Bitpro, Cty Fintech với số tiền gần 93 tỷ đồng.
Ngoài ra, Phan Sào Nam còn nhờ nhiều cá nhân đứng tên mua 15 căn hộ với tổng trị giá hơn 151 tỷ đồng; gửi ngân hàng Bank of Singapore 3,5 triệu USD và nhờ người cất giữ số tiền, vàng, đô la trị giá 680 tỷ đồng. Tuy nhiên, do một số đối tượng được cho là đang cất giữ tài sản phạm pháp của Phan Sào Nam đang bỏ trốn nên CQÐT chưa xác minh làm rõ được.
Nguồn:www.24h.com.vn