Ông Đinh La Thăng: Tòa chỉ hỏi kiểu buộc tội!
Ông Thăng phản ứng gay gắt về cách hỏi của HĐXX và cho rằng trước đây vì chấp hành đúng mà phải chịu mức án bất công, vô lý.
Ngày 21-6, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xét hỏi, làm rõ hành vi của ông Đinh La Thăng trong vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỉ đồng khi đầu tư vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Không đồng ý hỏi kiểu có-không
Tại tòa, ông Đinh La Thăng cam đoan những lời khai trước đây là đúng sự thật. Tuy nhiên, trước nhiều câu hỏi của HĐXX, ông trả lời “Tôi không nhớ”, thậm chí từ chối không trả lời những câu hỏi mà vị chủ tọa yêu cầu chỉ đáp là “có” hoặc “không”.
“Việc HĐXX hỏi có hay không có, tôi rất khó trả lời…” – ông Thăng nói. Chủ tọa giải thích HĐXX đang hỏi để phân định tính xác thực của các tài liệu, chứng cứ, chẳng hạn chữ ký của bị cáo là thật hay giả.
HĐXX hỏi về Nghị quyết 7289 của HĐQT PVN về việc tham gia góp vốn mua cổ phần OceanBank. Theo cáo buộc, ngày 30-9-2008, ông Thăng ký tờ trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn mua cổ phần của OceanBank. Mặc dù Thủ tướng chưa cho phép nhưng ngày 1-10-2008, ông Thăng vẫn ký Nghị quyết số 7289.
“Khi ra Nghị quyết 7289, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chưa?” – chủ tọa hỏi ông Thăng. Ông Thăng đáp việc ký văn bản này nằm trong chủ trương Chính phủ đã có, cho phép thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Sau đó Chính phủ thay đổi chính sách, dừng việc thành lập. Để giải quyết hệ lụy từ việc không thành lập được ngân hàng trên, bị cáo đã ký văn bản này trên cơ sở sự thống nhất của HĐQT.
Chủ tọa sau đó nhắc lại câu hỏi bởi ông Thăng trả lời không đúng nội dung câu hỏi. ông Thăng gay gắt: “Tôi đề nghị để trả lời có hay không, rồi hay chưa phải nằm trong tổng thể, không thể cắt lát ra để nói có hay không được… Nếu việc có hay không có này không đúng bản chất sự việc, không đúng bối cảnh lịch sử sẽ trở thành căn cứ để buộc tội tôi. Tôi không thể trả lời có hay không có mà không giải thích”.
Ông Đinh La Thăng và các bị cáo tại tòa. Ảnh: Đ.MINH
Chủ tọa tiếp tục giải thích HĐXX đang xét hỏi về hành vi, chưa hỏi về nhận thức. “Quyền hỏi thuộc về HĐXX, bị cáo có quyền trả lời hoặc không trả lời” – chủ tọa nói. “Tôi sẽ trả lời ở phần tranh luận” – ông Thăng lập tức đáp.
Khi chủ tọa tiếp tục đặt nhiều câu hỏi “có hay không”, ông Thăng xin được trình bày thêm nhưng không được chấp thuận. “Cũng tại hội trường này, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, trong phần xét hỏi, tôi đề nghị được đối chất với người làm chứng là người đã vi phạm, ký hợp đồng sai. HĐXX kết luận để dành đến lúc tranh luận. Tuy nhiên, đến phần tranh luận, người làm chứng đó đã biến mất khỏi phiên tòa nên chúng tôi bị kết án rất vô lý” – ông Thăng phản bác.
“Đến phần tranh luận, HĐXX sẽ tạo điều kiện đến lúc bị cáo không muốn nói nữa thì thôi” – chủ tọa nói và yêu cầu “phải chấp hành đúng pháp luật tố tụng”. “Tôi rất mong muốn được chấp hành đúng. Vì chấp hành đúng mà tôi đã phải chịu một mức án 18 năm tù, rất bất công và vô lý” – ông Thăng bức xúc.
Chủ tọa nói: “Bị cáo dừng lại. Vì không đồng tình với bản án sơ thẩm, nên bị cáo kháng cáo và HĐXX đang nghe xem kháng cáo của bị cáo đúng hay không đúng. Nếu bị cáo không còn niềm tin vào công lý thì bị cáo nói rõ”.
Cầm giấy đọc kháng cáo
“Với cách hỏi thế này, chỉ tìm những căn cứ để buộc tội mà không có căn cứ gỡ tội…” – ông Thăng nói tiếp.
Chủ tọa tiếp: “Bị cáo dừng lại. Đây đang hỏi về tài liệu, chưa ai đánh giá tài liệu này đúng hay sai, bị cáo có tội hay không có tội. Bị cáo đừng vội vàng đưa ra ý kiến chủ quan của mình”.
Sau đó phần xét hỏi ông Thăng diễn ra trong không khí khá căng thẳng. Ông Thăng tiếp tục từ chối trả lời nhiều câu hỏi của HĐXX và đề nghị toàn bộ câu hỏi liên quan đến việc góp vốn của PVN vào OceanBank chuyển sang phần tranh luận. Ông Thăng cho rằng nếu chia nhỏ các câu hỏi ra “có hay không” chỉ là căn cứ để buộc tội ông.
“Phần tranh luận sẽ không hỏi nữa… Trường hợp bị cáo không trả lời, HĐXX sẽ không hỏi bị cáo nữa và bị cáo cũng từ bỏ quyền của mình” – chủ tọa nhấn mạnh.
Khi được HĐXX cho phép nói về nội dung kháng cáo, ông Thăng cho biết kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, phần liên quan đến ông. Sau đó ông cầm giấy đọc nội dung đã được chuẩn bị sẵn. Đáng chú ý, ông Thăng cho rằng từ tháng 8-2011 ông đã rời khỏi PVN, đảm nhận vị trí công tác khác. Sau đó, OceanBank vẫn hoạt động hiệu quả và PVN vẫn được chia cổ tức tới năm 2013.
“Tôi không phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự vì bốn năm sau khi tôi chấm dứt quyền, nghĩa vụ tại PVN, OceanBank mới bị mua 0 đồng” – ông Thăng nói và nhấn mạnh khi ông rời khỏi PVN, OceanBank được đánh giá là ngân hàng loại A, là “hạng hoa hậu” rồi.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục.
Nguồn:https://www.24h.com.vn/