Tạm đình chỉ vụ Vinasun kiện Grab, đòi bồi thường 40 tỷ
Sau một tháng tạm dừng để các bên bổ sung chứng cứ, TAND TP.HCM đã quyết định tạm đình chỉ vụ kiện giữa Vinasun và GrabTaxi.
Sáng 7/3, TAND TP.HCM đã quyết định tạm đình chỉ vụ án dân sự giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam, đòi bồi thường thiệt hại hơn 40 tỷ.
Theo quyết định tạm đình chỉ, tòa cho rằng cần phải đợi kết quả thu thập chứng cứ, tài liệu tại Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM và Bộ Giao thông Vận tải.
Trả lời Zing.vn, ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết phía GrabTaxi chưa cung cấp đủ tài liệu về danh sách các hợp tác xã là đối tác của đơn vị này cũng như một số vấn đề pháp lý liên quan nên vụ kiện phải tạm ngưng. “Phiên tòa kéo dài chúng tôi cảm thấy rất mệt mỏi”, ông Quý nói.
Tuy nhiên, đại diện GrabTaxi cho rằng phía doanh nghiệp này đã có mặt tại tòa lúc 7h40 sáng 7/3 (hạn cuối của tòa đưa ra) để nộp tài liệu. Việc hoãn phiên tòa khiến bị đơn bất ngờ.
Trước đó, tại phiên xử ngày 7/2, HĐXX đã hoãn phiên tòa để Vinasun bổ sung một số hồ sơ liên quan đến hai công ty nghiên cứu thị trường, đánh giá thiệt hại của Vinasun, sau khi có sự xuất hiện của GrabTaxi tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, HĐXX cũng yêu cầu GrabTaxi bổ sung danh sách các hợp tác xã là đối tác của đơn vị này cũng như một số vấn đề pháp lý.
Cũng trong phiên xử đó, phía nguyên đơn đưa ra những dẫn chứng, lập luận để chứng minh GrabTaxi vi phạm đề án 24, Thông tư và Nghị định của Chính phủ. Cụ thể, luật sư Vinasun chỉ ra, theo đề án 24, GrabTaxi khẳng định chỉ tham gia kinh doanh phần mềm ứng dụng, không kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, GrabTaxi đã định giá cước, thu tiền, điều chỉnh giá cao điểm….
Đại diện nguyên đơn cho rằng GrabTaxi có dấu hiệu vi phạm trách nhiệm với Nhà nước. Điều này thể hiện ở việc trong 3 năm, doanh nghiệp này khai lỗ hơn 938 tỷ đồng, lớn gấp 4,7 lần vốn điều lệ của Grab. Trong khi số xe lên tới 12.000 chiếc ở TP.HCM, nhưng chỉ đóng thuế 9,5 tỷ. GrabTaxi được đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt về thuế.
Về phía GrabTaxi, doanh nghiệp này tiếp tục đề nghị HĐXX bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hoặc đình chỉ vụ án.
Luật sư cho rằng đây là vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Vinasun phải cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Grab có hành vi vi phạm pháp luật; Vinasun có thiệt hại thực tế; Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại.
Về cáo buộc của Vinasun khi cho rằng GrabTaxi không thực hiện đúng đề án 24 của Bộ Giao thông vận tải, Grab trình bày việc xem xét này thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải. Nếu có ý kiến hoạt động kinh doanh của nguyên đơn gây thiệt hại cho Vinasun thì Vinasun phải khiếu nại quyết định cho phép đề án thí điểm lên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải hoặc khiếu kiện hành chính.
GrabTaxi cho rằng thiệt hại hơn 40 tỷ của nguyên đơn đưa ra dựa trên báo cáo nghiên cứu thị trường chưa được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận nên không được coi là căn cứ để xác định thiệt hại.
Hoài Thanh